Đình làng Hải Châu biểu tượng văn hóa lâu đời của Đà Nẵng
Đình làng Hải Châu là một biểu tượng văn hóa đặc sắc, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Đà thành. Nằm giữa lòng đô thị hiện đại, ngôi đình cổ hơn 200 năm tuổi vẫn giữ nguyên giá trị lịch sử và tín ngưỡng truyền thống. Cùng Lalago tìm hiểu những ...
Đình làng Hải Châu là một biểu tượng văn hóa đặc sắc, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Đà thành. Nằm giữa lòng đô thị hiện đại, ngôi đình cổ hơn 200 năm tuổi vẫn giữ nguyên giá trị lịch sử và tín ngưỡng truyền thống. Cùng Lalago tìm hiểu những điều thú vị đằng sau công trình giàu bản sắc này nhé!
Đôi nét về đình làng Hải Châu 200 năm tuổi tại Đà Nẵng
Địa chỉ: số 42, tổ 6, đường Phan Chu Trinh, phường Hải Châu 1, Q. Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Đình làng Hải Châu tọa lạc tại số 42, tổ 6, đường Phan Chu Trinh, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, ngay trung tâm thành phố Đà Nẵng. Đây là một trong những ngôi đình cổ nhất của khu vực, có vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng và văn hóa của người dân địa phương.
Ngôi đình được xây dựng để thờ Thành hoàng làng, các vị tiền hiền – hậu hiền có công khai khẩn và phát triển vùng đất Hải Châu xưa. Trải qua hàng trăm năm, đình vẫn là nơi tổ chức nhiều hoạt động lễ hội, sinh hoạt cộng đồng mang đậm bản sắc truyền thống.
Không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, ngôi đình cổ hơn 200 năm tuổi còn thu hút du khách gần xa bởi vẻ đẹp kiến trúc cổ kính và không gian vô cùng yên tĩnh. Giữa lòng đô thị sôi động, nơi đây như một “ốc đảo văn hóa” lưu giữ tinh thần và cội nguồn dân tộc.

Đình làng Hải Châu cổ kính, nằm ngay giữa lòng Đà Nẵng
Lịch sử hình thành của đình làng Hải Châu Đà Nẵng
Đình làng Hải Châu được xây dựng vào năm Gia Long thứ 5 (1806), là nơi thờ Thành hoàng cùng các bậc tiền hiền, hậu hiền của làng Hải Châu xưa. Cư dân ban đầu chủ yếu là người Thanh Hóa theo vua Lê Thánh Tông vào Nam năm 1471, lập làng bên bờ sông Hàn.
Năm 1858, đình bị phá hủy do chiến tranh và được dựng lại vào năm 1860 tại khu vực nay là Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng. Sau đó đến năm 1903, do dịch bệnh và nhu cầu sử dụng của người Pháp, đình được di dời đi chỗ khác.
Năm 1904, đình được đưa về vị trí hiện tại tại số 42 đường Phan Chu Trinh. Đến năm 2001, đình được Bộ Văn hóa – Thông tin (Bộ VHTT&DL) công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Kể từ năm 2009, lễ hội đình làng Hải Châu chính thức được phục hồi và tổ chức định kỳ hằng năm.

Đình làng Hải Châu được xây dựng từ 1806, ngót nghét hơn 200 năm tuổi
Kiến trúc và nét độc đáo của đình làng Hải Châu
Đình làng Hải Châu rộng 144m2, mang kiến trúc truyền thống ba gian hai chái, mái lợp ngói âm dương và khung gỗ lim chắc chắn. Phía trước là cổng tam quan nổi bật với dòng chữ Hán “Hải Châu Chánh Xã” tạo cảm giác trang nghiêm, cổ kính.
Khuôn viên đình làng rộng khoảng 3.500 m2, gồm nhiều hạng mục như đình chính, nhà thờ tiền hiền, nhà thờ 42 phái tộc và miếu Bà. Trước đình có hồ nước, hòn non bộ và cây si cổ tạo nên không gian yên bình, xanh mát.
Bên trong đình được trang trí bằng nhiều hoành phi, câu đối và liễn đối được chạm khắc công phu, sơn son thếp vàng. Đáng chú ý là bộ sưu tập gồm 9 hoành phi có từ thời Gia Long đến Bảo Đại cùng quả chuông đồng cao 1,3 m, rộng 0,7 m.
Hệ thống cột kèo được chạm khắc tinh tế các hình tứ linh như rồng, lân, quy, phụng cùng nhiều họa tiết dân gian đặc trưng. Không gian sân đình lát gạch đỏ rộng rãi, thường được làm nơi sinh hoạt và tổ chức lễ hội truyền thống cho cộng đồng địa phương.

Không gian thờ tự linh thiêng Bên trong đình làng Hải Châu
Lễ hội đình làng Hải Châu và nét đẹp tâm linh truyền thống
Thời gian diễn ra lễ hội đình làng hằng năm
Lễ hội đình làng Hải Châu được tổ chức vào đầu tháng 3 Âm lịch hằng năm, trùng với dịp Giỗ Tổ Hùng Vương. Năm 2025, lễ hội diễn ra trong hai ngày 3 và 4/4 Dương lịch (tức mùng 6 – 7/3 Âm lịch) còn năm 2024 kéo dài từ ngày 10 – 12/4 dương lịch (nhằm mùng 2 – 4 Âm lịch).
Phần lễ chính gồm Lễ vọng tổ chức vào chiều khai hội và Lễ chánh tế diễn ra vào sáng hôm sau. Đây là dịp người dân Hải Châu và du khách cùng tề tựu về đình để tưởng nhớ tổ tiên và bày tỏ lòng thành kính với các vị tiền hiền, hậu hiền.

Lễ hội đình làng Hải Châu được tổ chức định kỳ vào tháng 3 Âm lịch
Phần hội với các hoạt động văn hóa dân gian tiêu biểu
Lễ hội không chỉ có phần nghi lễ trang nghiêm mà còn sôi động với nhiều hoạt động truyền thống như thi múa rối nước, vẽ tranh dân gian, trưng bày mâm bánh, gian hàng ẩm thực và trình diễn áo dài. Ngoài ra, các trò chơi dân gian như kéo co, nhảy bao bố, đẩy gậy, thả hoa đăng cũng thu hút đông đảo người tham gia.
Bên cạnh các hoạt động văn hóa dân gian, phần hội còn có thi văn nghệ với chủ đề ca ngợi quê hương và sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ địa phương. Những hoạt động này không chỉ tạo nên không khí vui tươi mà còn góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống.

Du khách thích thú xem biểu diễn múa rối nước
Ý nghĩa của lễ hội đình làng Hải Châu đối với cộng đồng địa phương
Lễ hội đình làng Hải Châu là dịp người dân và du khách thập phương bày tỏ lòng biết ơn với những bậc tiền nhân đã khai phá và lập làng. Qua đó, thế hệ trẻ được nhắc nhở về cội nguồn và thêm trân trọng giá trị văn hóa quê hương.
Tổ chức định kỳ từ năm 2009, lễ hội góp phần làm phong phú đời sống tinh thần và tăng cường sự gắn kết cộng đồng. Đây cũng là hoạt động tiêu biểu, giúp quảng bá nét đẹp văn hóa tâm linh của Đà Nẵng đến với du khách trong và ngoài nước.

Lễ hội đình làng Hải Châu là hoạt động văn hóa giàu ý nghĩa
Kinh nghiệm tham quan đình làng Hải Châu lần đầu
Đình làng Hải Châu không chỉ là điểm đến văn hóa – tâm linh ý nghĩa mà còn là nơi lý tưởng để khám phá nét đẹp cổ kính giữa lòng Đà Nẵng. Để có chuyến tham quan trọn vẹn, vui chơi thảnh thơi, bạn nên lưu ý một vài điều mà Lalago bật ý ngay sau đây:
- Thời điểm lý tưởng để tham quan: Bạn có thể đến tham quan đình quanh năm nhưng thời điểm đẹp nhất là vào dịp lễ hội tháng 3 Âm lịch. Lúc này, không khí rộn ràng, cảnh quan được trang trí sinh động và nhiều hoạt động văn hóa diễn ra sôi nổi.
- Trang phục và ứng xử: Khi vào đình, du khách nên chọn trang phục lịch sự, kín đáo để thể hiện sự tôn kính không gian linh thiêng. Bên cạnh đó, bạn cần hạn chế gây ồn ào, giữ gìn trật tự và không xâm phạm các hiện vật cổ.
- Phương tiện và đường đi: Đình nằm tại số 42 đường Phan Chu Trinh, quận Hải Châu, vị trí trung tâm thành phố nên rất dễ di chuyển, tiếp cận bằng xe máy, taxi hoặc đi bộ nếu ở gần. Bạn có thể gửi xe tại các điểm giữ xe xung quanh đình với chi phí hợp lý.
- Kết hợp tham quan điểm lân cận: Sau khi tham quan đình, bạn có thể ghé chợ Hàn, Bảo tàng Đà Nẵng hay cầu Rồng – tất cả chỉ cách vài phút đi bộ. Đây là cơ hội tuyệt vời để bạn trải nghiệm hành trình khám phá văn hóa và ẩm thực Đà thành.

4 lưu ý cho du khách khi tham quan, dâng lễ tại đình làng Hải Châu
Đình làng Hải Châu không chỉ là điểm đến tâm linh của người dân Đà Nẵng mà còn là nơi lưu giữ hồn cốt văn hóa của một vùng đất anh hùng. Nếu bạn yêu thích khám phá những giá trị xưa cũ giữa lòng phố thị, đừng quên theo dõi Lalago để lên kế hoạch ghé thăm địa danh độc đáo này nhé!